Tin tức - sự kiện

Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

content:

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ; ÂM MƯU CỦA THỰC DÂN PHÁP VÀ SỰ CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CỦA TA

1. Bối cảnh lịch sử

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, chúng nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai đối với Việt Nam; sau đó từng bước mở rộng chiến tranh, chối bỏ mọi cố gắng cao nhất về ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”,dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, đời sống Nhân dân còn muôn vàn khó khăn, toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, làm nên các chiến thắng vang dội: Việt Bắc thu đông 1947, Biên Giới 1950, tạo bước chuyển cơ bản cho cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới - giai đoạn ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở các cuộc tấn công và phản công địch. Qua thắng lợi của các chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953, vùng giải phóng của ta được mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố, lực lượng vũ trang cách mạng trưởng thành nhanh chóng; cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương chuyển biến mạnh theo chiều hướng có lợi cho quân và dân ta.

2. Âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp

Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường khiến cho thực dân Pháp dấn sâu vào thế bị động, nguy khốn. Phong trào nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng lên mạnh. Để cứu vãn tình hình, Chính phủ Pháp một mặt xin thêm viện trợ Mỹ, mặt khác thay đổi chỉ huy và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng một thắng lợi quân sự.

Tháng 5/1953, được sự ủng hộ của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Hăngri Nava, Tham mưu trưởng lục quân Pháp thuộc khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng ở Trung Âu làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau khi khảo sát, tìm hiểu thực tế chiến trường, Nava đề ra một kế hoạch quân sự toàn diện (sau này được gọi là kế hoạch Nava), được Chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua ngày 24/7/1953.

Nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch Nava là tới năm 1954, tổ chức khối chủ lực tác chiến gấp 3 lần số binh đoàn hiện có, chia thành hai bước: (1)Trong Thu - Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18, phòng ngự thượng Lào; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V; (2)Nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng. Kế hoạch quân sự Nava là cố gắng cao nhất của Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ chuyển bại thành thắng. Thực hiện kế hoạch này, Pháp tăng viện quân viễn chinh, mở rộng khối quân cơ động, ráo riết bắt thanh niên vào lính ngụy, phát triển phỉ vùng rừng núi. Mùa hè và mùa thu năm 1953, địch mở hàng chục trận càn quét lớn nhỏ ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Bộ, đánh phá ác liệt các căn cứ của ta; tháng 7/1953, chúng cho quân nhảy dù tập kích Lạng Sơn; tháng 8/1953, chúng rút lực lượng ở Nà Sản về tăng cường ở đồng bằng Bắc Bộ.

Giữa tháng 11/1953, bộ đội chủ lực của ta thực hiện kế hoạch tiến lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với Quân đội Pathet Lào. Trước tình hình đó, Nava buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến của quân ta. Kế hoạch Nava bị đảo lộn, chúng phải phân tán lực lượng để đối phó với ta. Chấp nhận cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ, Nava tập trung mọi cố gắng, với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, xây dựng Điện Biên Phủ - vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương,“một pháo đài bất khả xâm phạm”, gồm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc. Địch đã cho tập trung ở đây hơn 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta.

3. Sự chỉ đạo chiến lược và chuẩn bị của ta

Nhận rõ thủ đoạn của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn về nhiệm vụ quân sự, phân tích sâu sắc thế chiến lược giữa ta và địch, ra nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 – 1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương, nhấn mạnh phương châm chiến đấu: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Nghị quyết của Bộ Chính trị được quán triệt tới các cấp, các ngành; Bộ Tổng tham mưu đặt kế hoạch tác chiến cụ thể cho các chiến trường; các kế hoạch phối hợp tác chiến giữa ta với Lào, Campuchia cũng đã được hoàn toàn nhất trí; mọi việc chuẩn bị và công tác tổ chức lực lượng được triển khai mạnh mẽ.

Để phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, Đảng và Chính phủ ta đã chủ trương mở cuộc tiến công địch trên mặt trận ngoại giao. Ngày 26/11/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm của Nhân dân ta:“... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”đã tạo tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Trên cơ sở nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”; dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Cùng với đó, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ gồm 04 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Cả một hậu phương rộng lớn của đất nước, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng mới giải phóng ở Thượng Lào, đều dồn sức người, sức của với hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường: (1) Tiến công Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía bắc; (2) Phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào Trung Lào; (3) Tiến sâu xuống Hạ Lào và Đông Campuchia; (4) Tiến công trên mặt trận Bắc Tây Nguyên; (5) Phối hợp tiến công phòng tuyến địch tại Thượng Lào. Với 5 đòn chiến lược trên, chẳng những ta đã tiêu diệt nhiều địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn mà còn làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Nava ở đồng bằng Bắc Bộ, buộc chúng phải phân tán các nơi để đối phó với ta. Đồng thời, ở chiến trường trung du và đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân ta cũng đánh mạnh ở tuyến ngoài và sau lưng địch; các địa phương ở Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ đã đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, kết hợp với “ngụy vận” để phối hợp với chiến trường chính.

II. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CỦA CHIẾN DỊCH

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn: thời gian tác chiến dài hơn, thay đổi về cách đánh nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hoả lực của chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, việc kéo pháo vào tập trung tại trận địa đã vô cùng khó khăn, nay lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao để tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng:

Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ nhất của địch bị tiêu diệt gọn, một tiểu đoàn khác và 3 đại đội ngụy Thái tan rã. Một số lượng lớn pháo 105 ly và pháo cối 120 ly của địch bị ta phá hủy hoàn toàn, hầu hết các máy bay chiến đấu trong vùng lòng chảo đều bị ta tiêu diệt.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/l954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng ½ tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ ngày 06/5/1954, pháo binh và hỏa tiễn của ta bắn dữ dội vào các cứ điểm địch, mở đường cho bộ binh tiến công. Tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, theo các đường hào đánh lên đỉnh đồi. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 22 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

III. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

1. Nguyên nhân thắng lợi

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ -chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao.

Nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng ngoài mặt trận.

Quân đội ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần tiếp ứng cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có; cán bộ, chiến sĩ mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường, dũng cảm hy sinh lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên cường, anh dũng, mưu trí và sáng tạo tiêu biểu như: Tô Vĩnh Diện và Nguyễn Văn Chức đã hy sinh thân mình để bảo vệ pháo, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai và còn biết bao tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh khác đã làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự giúp đỡ quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhận được sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc bị áp bức ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh, đặc biệt là liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp.

2. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ nhất, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Giơnevơ (trừ Mỹ) đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21/7/1954. Đây cũng là chiến thắng quyết định thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Thứ hai, mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã tạo ra những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao… cho cách mạng Việt Nam và mở đầu một giai đoạn mới: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như những đóng góp của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam đã củng cố niềm tin của Nhân dân hai miền vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ - “độc lập, tự chủ, quyết chiến, quyết thắng”, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và đội quân chư hầu, giải phóng và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý: Trong thời đại ngày nay, một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển nếu có một đảng mác xít chân chính lãnh đạo với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ thì nhất định đánh thắng mọi kẻ thù, dù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Đây là cơ sở để sau này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin, dám đánh, biết đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thứ tư, chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do; buộc chính quyền Pháp phải chấm dứt chính sách cai trị thực dân, tiến hành trao trả độc lập cho nhiều nước ở châu Á và châu Phi, đồng thời xem xét lại vị thế và các chính sách của mình đối với các nước vốn là thuộc địa cũ. Việt Nam là nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra trang sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Giuyn Roa, ký giả kiêm sử gia, nguyên Đại tá quân đội viễn chinh Pháp khẳng định: “Trên toàn thế giới, Oatéclô trước đây không gây tiếng vang bằng, Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa”[4].

3. Bài học kinh nghiệm

“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp Mỹ. Đây là chiến thắng vĩ đại của Nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay; chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.Từ thắng lợi vĩ đại này, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu:

- Một là, xác định đường lối kháng chiến đúng đắn, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Hai là, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

- Ba là, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, sáng tạo, tìm tòi, xác định đúng đường lối cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bốn làxây dựng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm là, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.

IV. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Tiếp nối Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Trong gần 40 năm đổi mới, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, nâng cao.“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và dành sự ưu tiên, quan tâm cho phát triển toàn diện vùng Tây Bắc. Cùng với đó, Đảng bộ và Nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, khai thác, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng; chú trọng các lĩnh vực thuộc thế mạnh của vùng, phát triển kinh tế du lịch gắn với văn hóa, lịch sử, sinh thái; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo nên nhiều thay đổi to lớn trong diện mạo và phát triển; đóng góp quan trọng vào bảo đảm sự ổn định và phát triển của cả nước.

Với tỉnh Điện Biên, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và phát triển liên tục. Nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, riêng năm 2022, Điện Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xếp 24/83 tỉnh thành trong cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá, cải cách hành chính chuyển biến rõ nét; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được tăng cường, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay, tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Các di tích của chiến trường Ðiện Biên năm xưa như: Đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu Mường Thanh, Sân bay Mường Thanh và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi sẽ có nhiều khó khăn, thách thức phức tạp phát sinh; kinh tế thế giới giảm sút, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; tranh chấp chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp; cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ucraina và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đối với Nga có thể còn kéo dài, tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề về an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững.Trong nước, mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn: bốn nguy cơ Đảng ta xác định vẫn còn hiện hữu; môi trường chính trị, văn hóa tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng gia tăng thực hiện “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta.

Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, phát huy cao độ nội lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững và tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết hữu nghị với nhân dân và Quân đội các nước; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời có kế sách ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Ngày nay, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước trên thế giới, tạo thế đan xen có lợi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng phương pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với nước khác.

Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh. Giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, dựa vào nội lực là chính; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh; xây dựng và không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng trong Quân đội và Công an trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; giáo dục và rèn luyện cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội. Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các điểm nóng nhất là đối với khu vực Tây Bắc. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp chúng ta thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng gió đi đến bến bờ vinh quang. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

NGUỒN: BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Tin tức - sự kiện

KẾ HOẠCH Tuyên truyền công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024

content:

KẾ HOẠCH số 112/KH-UBND ngày 03/11/2023 của UBND xã Hưng Chính Tuyên truyền công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2024.

Xem văn bản tại đây

Tin tức - sự kiện

Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Chính dấu ấn một nhiệm kỳ

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, bám sát chủ trương của cấp trên và điều kiện thực tế của địa phương, MTTQ và tổ chức thành viên các cấp xã Hưng Chính đã để lại dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ qua và là tiền đề vững chắc thực hiện nhiệm vụ và chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới (2024-2029)
content:

      Thấm nhuần quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, lấy dân làm gốc, 5 năm qua, Uỷ ban MTTQ xã Hưng Chính đã tăng cường đoàn kết tập hợp các tầng lớp nhân dân, vận động nhân đân thi đua lao động sản xuất, đoàn kết cùng nhau thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT XH, an ninh quốc phòng, mang lại lợi ích thiết thực và làm thay đổi toàn diện bộ mặt NTM ở địa phương.

Nhiệm kỳ qua (2019 – 2024), MTTQ xã Hưng Chính đã tổ chức tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ xã đã triển khai đồng bộ và toàn diện các nhiệm vụ. Phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, các tổ chức và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân.

Hình ảnh: MTTQ xã họp triển khai nhiệm vụ thường kỳ

Tiếp tục tuyên truyền việc triển khai thực hiện Đề án số 01 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về "Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam", gắn với tập trung triển khai 2 nội dung căn bản, đó là: xác định nội dung thu thập, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân và xác định nội dung thông tin cung cấp đến Nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền để thích ứng trong tình hình mới.

Tiếp tục triển khai Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gắn với thực hiện Đề án 16-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển KT-XH gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn, giai đoạn 2018 – 2025”. Xã tập trung củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng có đạo, chủ động tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt các đoàn thể quần chúng; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cốt cán vùng  giáo làm nòng cốt cho việc tuyên truyền xây dựng phong trào, tập hợp quần chúng, tín đồ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, Mặt trận đã kịp thời hỗ trợ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong đồng bào tôn giáo. Trong nhiệm kỳ đã hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo xã cho 3 hộ nghèo, cận nghèo  ở giáo họ xây dựng, sửa chữa Nhà đại đoàn kết với số tiền 65 triệu đồng; tiếp nhận nguồn ủng hộ từ ngân sách thành phố xây dựng 1 nhà hộ nghèo số tiền 200 triệu đồng, 15 học sinh là con em gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn học giỏi; số tiền 15 triệu đồng. Chỉ đạo xây dựng Mô hình "Đường cờ đại đoàn kết" cấp tỉnh  tại giáo họ Vĩnh Giang với tông mức đâu tư 75 triệu đồng. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức trang trọng, chu đáo cả phần lễ và phần hội ở 100% khu dân cư. Tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã biểu dương 3 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào.

Hình ảnh: Gặp mặt trao quà HĐMV giáp họ Vĩnh Giang

Trong nhiệm kỳ, MTTQ đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến các tầng lớp Nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của xã. Chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân chủ động sáng tạo và khai thác có hiệu quả các nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đó tà, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân GPMB các công trình, dự án, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, các trường học, trạm y tế, đạt chuẩn quốc gia, xây dựng cảnh quan môi trường xanh- sạch - đẹp. Trên địa bàn đã triển khai 25 công trình với tổng mức đầu tư 85,6 tỷ đồng, huy động nội lực trong nhân dân đạt 10,2 tỷ đồng, hiến 450m2 đất để mở rộng đường giao thông. Tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt từ 91%; xóm đạt chuẩn văn hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo từ 5 hộ (năm 2019) giảm còn 2 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo từ 26 hộ (năm 2019) giảm còn 18 hộ. Năm 2024 xã phấn đấu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hình ảnh: NVH xóm 2 được đầu tư xây dựng mới năm 2023

Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong nhiệm kỳ trên địa bàn đã có 42 mô hình đã hoàn thành, trong đó có 1 mô hình cấp tỉnh (Mô hình tuyến đường cờ nhà văn hóa xóm 7) , 07 mô hình cấp thành phố. Đặc biệt năm 2020 nhân dân và cán bộ xã Hưng Chính được Thành ủy tặng giấy khen đã có thành tích xây dựng mô hình “ Dân vận khéo” giai đoạn 2018-2020. Các chuỗi hoạt động thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ như tổ chức cuộc thi văn nghệ quần chúng, các giải bóng đá, bóng chuyền, kéo co,... nhằm chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng-Trung Đô gắn với việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hình ảnh: Mô hình tuyến đường cờ đường Kim Liên

Chương trình vận động chăm lo giúp đỡ cho người nghèo, người yếu thế tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện Chương trình “Tết vì người nghèo”, trong nhiệm kỳ đạt 850.000.000 đồng, Đã hỗ trợ 1.250 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, người khuyết tật, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... với số tiền 750 triệu đồng. Vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đạt 250.415.000 đồng, đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 2 nhà ĐĐK, số tiền 75 triệu đồng và hỗ trợ giúp phát triển sản xuất, hỗ trợ khám, chữa bệnh; hỗ trợ học sinh nghèo; hỗ trợ khác,...với số tiền 55 triệu đồng. Ngoài ra MTTQ xã đã  vận động đạt kết quả các loại quỹ cứu trợ, quỹ hỗ trợ xã nghèo.

Hình ảnh: Trao hỗ trợ XD nhà ở cho hộ cận nghèo

Với truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai thăm hỏi tăng quà cho 80 hộ gia đình chính sách với số tiền hơn 40 triệu đồng. Mặt trận đã tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 150.000.000 đồng; vận động ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/điôxin đạt 55 triệu đồng.

Hình ảnh: Trao quà dịp kỷ niệm 75 năm ngày TBLS

Trước tình hình đại dịch Covid - 19 bùng phát tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Mặt trận Tổ quốc xã đã phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và Nhân dân ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid -19. Kết quả vận động được 150 triệu đồng nộp về Ban phong chống dich thành phố; tổ chức nâu 1.200 suất ăn phục vụ cho các lực lượng tuyến đầu, cấp phát trên 200 suất quà cho người dân, 1,5 tấn rau củ quả các loại... Ngoài ra, MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên chủ trì và hướng dẫn việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân như Thành lập 8 tổ tiếp nhận thông tin để hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu đói, thành lập các tổ bán hàng lưu động; vận động, tiếp nhận, hỗ trợ, cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và công tác an sinh xã hội...Tổ chức giám sát việc thực hiện công tác chi trả hỗ trợ cho người dân. Góp phần tích cực vào thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng năm tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện CVĐ và kế hoạch Tháng cao điểm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dịp tết Nguyên đán. Phối hợp với UBND xã và các ban ngành tiến hành  kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm theo định kỳ.

Hình ảnh: Gặp mặt đầu năm với các DN, hộ KD trên địa bàn xã 

Xây dựng kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo” tuyên truyền, vận động phát huy tinh thần thi đua sáng tạo trong hệ thống Mặt trận và Nhân dân như phong trào huy động nội lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa, phong trào giúp đỡ nhau để giảm nghèo bền vững. Các tổ chức thành viên đã chủ động sáng tạo phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình thuộc lĩnh vực phụ trách như: Công đoàn xã với phong trào  “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”,…; Hội Liên hiệp phụ nữ phong trào “Xây dựng phụ nữ xã Hưng Chính thời đại mới”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới”,…; Đoàn Thanh niên phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Áo ấm mùa đông”,…Hội Nông dân phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Sạch đường tốt vườn tốt ruộng””Nuôi gà an toàn sinh học”…; Hội Cựu chiến binh phong trào “ Cựu chiến binh gương mẫu chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,”Vệ sinh đài tưởng niệm liệt sỹ”…

Hình ảnh: Mô hình vườn chuẩn NTM

MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp với Công an thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới, như thực hiện có hiệu quả các hoạt động Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”; tuyên truyền, vận động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, mại dâm, giải tỏa hành lang an toàn giao thông, trật tự đô thị,…Xây dựng các mô hình có hiệu quả như: Quy chế phối hợp giữa Công an xã, MTTQ xã, Hội CCB xã, Ban CTMT các xóm  và HĐMV giáo họ Vĩnh Giang trong công tác đảm bảo ANTT, PCTNXH trên địa bàn xã, phòng chống tội phạm ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, nhà tôi có bình chữa cháy,… thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030”. Phối hợp với Chi cục Thuế Thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện nghĩa vụ nộp quỹ, phí, thuế phi nông nghiệp. Phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường & công trình đô thị Nghệ An tuyên truyền, vận động Nhân dân đổ rác thải đúng thời gian quy định, gắn với phối hợp ra quân thực hiện Ngày “Chủ nhật xanh”, Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An: tổ chức hội nghị truyền thông về luật BHXH, BHYT ở các xóm tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện.

Hình ảnh: Ra mắt mô hình tổ liên gia PCCC

Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Hình ảnh: Hội nghị TXCT trước kỳ họp

Kết quả,  phối hợp tổ chức tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiếp xúc cử tri; phối hợp tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch HĐND, UBND xã với Nhân dân; tổng hợp, phản ánh kịp thời những vấn đề cử tri kiến nghị, đề xuất các ngành liên quan tập trung giải quyết. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị và Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Phối hợp với các tổ chức thành viên  chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch giám sát, phản biện xã hội từng năm, xác định rõ nội dung Mặt trận chủ trì, từng nội dung do 5 tổ chức chính trị - xã hội chủ trì thực hiện. Tổ chức 10 đoàn giám sát trên 6 chuyên đề. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong nhiệm kỳ đã thành lập 25 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tiến hành giám sát 25 công trình, dự án thi công trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng các công trình; tham gia Hội thi Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giỏi thành phố Vinh năm 2023 đạt giải ba. Phối hợp thực hiện công tác tiếp dân định kỳ và tiếp nhận 74 đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân.

Hình ảnh: Cử tri có ý kiến tại hội nghị TXCT

Phối hợp với UBND tổ chức các chương trình gặp gỡ, giao lưu và các hoạt động thiết thực nhân dịp con em trong xã ở các tỉnh, ở nước ngoài về đón Tết và dự các sự kiện quan trọng địa phương. Vận động các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, con em xa quê luôn quan tâm, hướng về xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong nhiệm kỳ hội đồng hương người Hưng Chính ở TP HCM, ở Hà nội.... đã ủng hộ địa phương trong công tác khuyến học và xây dựng các thiết chế với số tiền 250 triệu đồng.

Hình ảnh: Hội đồng hương Hưng Chính tại Hà Nội trao quà tết VNN 

Cũng trong nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ xã Hưng Chính đã chú trọng đến việc kiện toàn, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác mặt trận cơ sở; thường xuyên bổ sung, điều chỉnh Quy chế phối hợp công tác giữa MTTQ xã với các thành viên, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư hoạt động hiệu quả; vị trí, vai trò ngày càng được phát huy, làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân thực hiện các phong trào, các cuộc vận động ở địa bàn dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ...

Hình ảnh: Lễ tuyên dương học sinh giỏi

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, bám sát chủ trương của cấp trên và điều kiện thực tế của địa phương, MTTQ và tổ chức thành viên các cấp xã Hưng Chính đã để lại dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ qua và là tiền đề vững chắc thực hiện nhiệm vụ và chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới (2024-2029), khẳng định được vai trò trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân. Đó là kết quả của sự đồng thuận xã hội, tạo động lực để Ủy ban MTTQ xã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, góp phần thúc đẩy KT - XH địa phương ngày càng phát triển./

Hình ảnh: Công trình kỷ niệm 60 năm thành lập TP Vinh - 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô

 

                                                                       Bùi Thị Lan - CCVH xã

 

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Now: 3482
Total: 223293