Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM, PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ BỆNH LÂY TRUYỀN QUA THỰC PHẨM TRONG TRƯỜNG HỌC

Trong thời gian gần đây số vụ ngộ độc thực phẩm có vẻ tăng lên đang làm cho nhiều người lo lắng, nhất là những phụ huynh có con đi học bán trú.
content:

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM, PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ BỆNH LÂY TRUYỀN QUA THỰC PHẨMTRONG TRƯỜNG HỌC

Trong thời gian gần đây số vụ ngộ độc thực phẩm  có vẻ tăng lên đang làm cho nhiều người lo lắng, nhất là những phụ huynh có con đi học bán trú. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo để các cơ sở giáo dục nói riêng và những nơi có bếp ăn tập thể nói chung phải chú ý hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Vậy để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm thì mỗi một cá nhân chúng ta nên làm gì? Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu để biết làm thế nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

1.  Nguyên nhân gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm và gây bệnh lây truyền qua thực phẩm:

- Thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại: là một nguyên nhân chính yếu gây nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể bao gồm các nhóm vi khuẩn, virút, ký sinh trùng.

- Hoá chất: Các hoá chất không được phép sử dụng nhưng vẫn được người sản xuất, kinh doanh sử dụng trong chăn nuôi, bảo quản, chế biến thực phẩm như: hàn the, màu công nghiệp đặc biệt phẩm Sudan,…Các hoá chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng lại dùng quá hàm lượng cho phép như các chất tạo ngọt tổng hợp, chất bảo quản chống mốc, chất chống oxy hoá…

- Dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt quá mức cho phép.

- Chât độc gốc tự nhiên: trong một số thuỷ sản như cá nóc, mực xanh…, trong một số thực phẩm như măng, sắn, độc tố sinh học biển gây tiêu chảy, gây mất trí nhớ, gây liệt cơ trong nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

- Chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt:  như các loại hạt ngô, đậu tương, lạc, hat dẻ bị mốc.

2. Những bệnh lây truyền qua đường thực phẩm

a. Những bệnh do vi khuẩn

Vi khuẩn xâm nhập qua thực phẩm gây ra những bệnh sau:

- Bệnh viêm dạ dày cấp và nhiễm độc toàn thân: do ngoại độc tố tụ cầu vàng là chủ yếu.

- Lỵ trực khuẩn: Là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella gây ra.

- Dịch tả: Bệnh do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, thường bùng phát ở những nơi đông người như nhà trẻ, trường học, khu công nghiệp hoặc những nơi môi trường sống bị ô nhiễm.

- Bệnh thương hàn: Là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, bệnh lây qua đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn Salmonella typhi.

b. Những bệnh do virút

- Người bị nhiễm vi rút có thể lây sang người khác trước khi phát bệnh, chủ yếu là các bệnh sau:

- Tiêu chảy cấp: Lây truyền chủ yếu do sử dụng thức ăn nấu không chín kỹ, nước uống có nhiễm vi rút, rau sống bón bằng phân tươi mà không được rửa sạch hoặc trung gian ruồi nhặng.

- Bệnh bại liệt: Vi rút nhiễm vào người qua đường ăn uống.

- Cúm A(H5N1): Vi rút cúm A(H5N1) tồn tại ở nhiều loại gia cầm, thủy cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút và cả ở một số chim hoang dã.

Hình ảnh: Gia cầm nhiễm virut H5N1

- Viêm gan A: Vi rút được thải ra theo phân của người bị nhiễm hay người bệnh ra ngoài làm nhiễm thực phẩm hay nguồn nước. Người sử dụng thực phẩm hay nước bị nhiễm có thể sẽ nhiễm bệnh.

c. Những bệnh do ký sinh trùng:

- Bệnh giun sán: Người ăn phải thịt lợn, thit bò có ấu trùng (sán dây bò, sán lợn gạo) chưa nấu chín, khi vào cơ thể thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở đường tiêu hóa và gây rối loạn tiêu hóa. Khi ăn cá nước ngọt như cá diếc, cá rô, cá chép, cá trôi… có nang trùng sán lá gan nhỏ chưa nấu chín thì nang trùng chuyển tới ống mật, lên gan và phát triển ở gan thành sán trưởng thành gây tổn thương gan mật. Một số ký sinh trùng khác như sán lá, giun đũa thâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua nước hoặc đất và có thể gây ô nhiễm cho thực phẩm.

Thịt bị nhiễm ấu trùng sán lợn gạo

 - Bệnh lỵ amip ở đại tràng: Đau bụng dọc khung đại tràng, mót rặn, phân nhầy lẫn máu.

- Bệnh lỵ amip ngoài đại tràng: Gây áp xe gan, áp xe phổi, áp xe não do amip.

- Giun xoắn: Là một bệnh truyền nhiễm do giun Trichinella spiralis gây nên. Người bị nhiễm khi ăn thịt chứa ấu trùng loài Trichinella nấu tái, sống lây truyền từ lợn hoặc chuột sang người, chủ yếu qua đường ăn uống do ăn thịt lợn hoặc thịt các động vật hoang dã sống (nấu chưa chín) có chứa ấu trùng giun xoắn.

3. Biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình quý phụ huynh và nhà trường cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

a- Chọn thực phẩm tươi sạch

 

 

- Với rau quả: chọn các loại rau, quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ.

- Với thịt phải qua kiểm dịch thú y và đạt tiêu chuẩn thịt tươi.

- Cá và thủy sản phải còn tươi, giữ nguyên màu sắc bình thường, không có dấu hiệu ươn, ôi.

          - Các thực phẩm đã chế biến phải được đóng hộp hoặc đóng gói đảm bảo, phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung như tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến; có số đăng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng. Với đồ hộp không chọn hộp bị méo, phồng hay gỉ.

- Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc.

- Không sử dụng các loại thực phẩm lạ (cá lạ, rau, quả hoặc nấm lạ) chưa biết rõ nguồn gốc.

- Không sử dụng các phẩm màu, đường hóa học không nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép.

b- Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm

- Khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.

- Tất cả các bề mặt sử dụng để chuẩn bị thực phẩm phải dễ cọ rửa, luôn giữ gìn sạch sẽ, khô ráo.

- Bếp phải đủ ánh sáng và thông gió.

- Phải đủ nước sạch sử dụng để chế biến thực phẩm và vệ sinh khu vực chế biến thường xuyên.

- Ngăn ngừa sự đi lại của gián, chuột và các động vật khác trong khu vực chế biến thực phẩm.

c- Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ

- Không để dụng cụ bẩn qua đêm.

- Bát đĩa dùng xong phải rửa ngay. Không dùng khăn ẩm mốc, nhờn mỡ để lau khô bát đĩa. Nếu dụng cụ vừa rửa xong cần dùng ngay thì nên tráng lại bằng nước sôi.

- Dụng cụ tiếp xúc với thức ăn chín và sống phải để riêng biệt.

- Không sử dụng những dụng cụ bị sứt mẻ, hoen gỉ vì khó rửa.

- Thức ăn còn thừa, thực phẩm thải bỏ phải đựng vào thùng kín có nắp đậy và chuyển đi hằng ngày.

- Chỉ sử dụng xà phòng, các chất tẩy rửa dụng cụ ăn uống được ngành Y tế cho phép để không tồn dư gây độc sang thực phẩm.

- Không dùng dụng cụ bằng đồng, nhôm, thủy tinh gia công, nhựa tái sinh có màu để nấu nướng, chứa đựng thực phẩm lỏng có tính acid hoặc các loại cồn rượu vì chúng có thể làm tan các kim loại nặng như chì, đồng … hoặc phụ gia vào thực phẩm.

- Tuyệt đối không được dùng bao bì từng chứa đựng các hóa chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tẩy, chất sát trùng để đựng thực phẩm.

          d- Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ

- Rau, quả phải ngâm ngập trong nước sạch rồi rửa kỹ dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu, thay nước 3-4 lần.

 

- Các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi nấu nướng.

- Nhiệt độ sôi có thể tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh nhưng phải nấu kỹ để đạt nhiệt độ sôi đồng đều. Chú ý phần thịt gần xương nếu thấy còn có màu hồng hoặc màu đỏ thì bắt buộc phải đun lại cho chín hoàn toàn.

- Không nên ăn các thức ăn sống như gỏi cá, thịt bò tái, gỏi …

e- Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong

- Thức ăn chín để nguội ở nhiệt độ bình thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Để đảm bảo an toàn nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng vừa nấu chín xong.

Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như chuối, cam, dưa và các loại quả khác thì cần ăn ngay sau khi vừa bóc hay vừa cắt ra.

f- Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn

- Nếu thức ăn phải chuẩn bị trước hoặc phải đợi sau 3 giờ thì cần giữ nóng ở nhiệt độ 60 độ C hoặc duy trì ở điều kiện lạnh ≤ 10 độ C. Với trẻ nhỏ, phải cho ăn ngay sau khi thức ăn vừa nguội và không áp dụng cách bảo quản này.

- Không đưa quá nhiều thức ăn còn ấm hoặc thức ăn còn đang nóng vào tủ lạnh.

- Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.

- Không dùng dao, thớt vừa cắt, thái thịt sống chưa được rửa sạch để thái thức ăn chín.

- Thức ăn phải đậy kỹ tránh ruồi, côn trùng xâm nhập.

- Không dùng tay để bốc thức ăn chín hay đá để pha nước uống.

- Không để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất gây độc khác ở trong khu chế biến thực phẩm.

- Bảo quản tốt các thực phẩm đóng gói theo đúng yêu cầu ghi của nhãn.

- Đun lại thức ăn ở nhiệt độ sôi đồng đều ngay trước khi ăn là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản.

g- Giữ vệ sinh cá nhân tốt

- Giáo viên chăm sóc trẻ  cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi cho trẻ ăn hoặc tiếp xúc với thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm tươi sống.

- Mặc quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng khi chuẩn bị thức ăn.

- Không hút thuốc, không ho, hắt hơi trong khi chuẩn bị thực phẩm.

- Giữ móng tay ngắn và sạch sẽ.

- Nếu có vết thương ở tay cần băng kín bằng vật liệu không ngấm nước.

- Không tiếp xúc với thực phẩm khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt hay có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.

h- Sử dụng nước sạch trong ăn uống

- Dùng các nguồn nước thông dụng như nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối đã qua xử lý để rửa thực phẩm, chế biến đồ ăn uống và rửa dụng cụ.

- Nước phải trong, không có mùi, không có vị lạ.

- Dụng cụ chứa nước phải sạch, không được để rêu, bụi bẩn bám xung quanh hoặc ở đáy, có nắp đậy.

- Dùng nước đã đun sôi để uống hoặc chế nước giải khát, làm kem, đá.

i- Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh

- Không sử dụng sách, báo cũ để gói thức ăn chín.

- Đồ bao gói phải đảm bảo sạch, giữ được tính hấp dẫn về mùi vị, màu sắc và không thấm chất độc vào thực phẩm.

- Nhãn thực phẩm phải trung thực, có đầy đủ thông tin cần thiết như tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến, có số đăng ký sản xuất, thời hạn sử dụng.

k- Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ

- Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột … và hướng dẫn vệ sinh phòng chống các dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.

- Rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy, đổ đúng giờ và đúng nơi quy định

Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ gìn sức khỏe gia đình.

Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Thực phẩm có thể gây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn.

Để có bữa ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn, mọi người cần chú ý thực hiện các điều đơn giản về vệ sinh an toàn thực phẩm nói trên để bữa ăn không là nguồn gây bệnh mà sẽ là nguồn sức khoẻ, nguồn vui và hạnh phúc hàng ngày.

Người sưu tầm: CC VHXH – Bùi Thị Lan

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính thành phố vinh - tỉnh nghệ an

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Now: 2636
Total: 227163