Nông nghiệp, nông dân và nông thôn từ trước đến nay là một trong những vấn đề chiến lược của cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp nông dân được tập hợp trong tổ chức chính trị xã hội của mình là Hội Nông dân Việt Nam. Ngày nay trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc nền hoà bình độc lập và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh về mọi mặt xứng đáng là lực lượng đồng minh tin cậy trong khối liên minh công nông trí thức, đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển đất nước.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân việt Nam, Hội Nông dân xã Hưng Chính trân trọng gửi tới toàn thể cán bộ hội viên Hội nông dân và nhân dân bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Hội Nông dân việt Nam 14/10/1930 – 14/10/2024.
Vào đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt ruộng đất của nông dân, áp bức bóc lột nhân dân đến tận cùng của sự khổ cực, phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, chống sưu cao thuế nặng bùng nổ ở khắp nơi nhưng còn mang tính tự phát chưa đem lại hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc- một số địa phương đã tập hợp nông dân dưới các hình thức như: phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa… để nổi dậy đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Các tổ chức tiền thân của đảng đã tập hợp nông dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc cướp nước và đánh đổ tay sai. Tháng 11/1929, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ, Tổng Nông hội Nghệ An ra đời, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Cuối năm 1929, ở tỉnh Hà Đông, Đông Dương cộng sản Đảng đã thành lập tổ Nông hội đỏ. Tiếp theo đó, nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ…
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Sách lược vắn tắt của Đảng (được thông qua ngày 03/02/1930) đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèolàm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương, các tổ chức Nông hội cấp cơ sở được hình thành ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh. Nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành thắng lợi từng bước. Chỉ tính từ tháng 5/1930 – 10/1930 cả nước có 53.000 hội viên nông hội.
Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, Điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”, trong đó trọng tâm là xây dựng tổ chức Nông hội, cơ sở của Nông hội là làng. Cũng tại hội nghị này Điều lệ Nông hội làng được thông qua. Mục đích là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất. Ngay sau khi được thành lập hội nông dân Việt Nam đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân hướng theo sự lãnh đạo của đảng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt mà đỉnh cao đó là sự thành công của cách mạng tháng 8/1945 đưa đất nước ta trở thành nước độc lập.
Đất nước vừa độc lập, dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện lời kêu gọi kháng chiến, kiến quốc của Hồ Chủ Tịch hàng vạn thanh niên Nông thôn hai miền Nam Bắc đã lên đường tòng quân giết giặc, hàng chục triệu nông dân đã đóng góp sức người, sức của với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” phục vụ tiền tuyến góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (5/1954) lừng lẫy năm Châu, chấn động Địa cầu. Thắng Pháp xong dân tộc ta vẫn chưa được độc lập tự do bởi chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Hàng triệu thanh niên nông thôn 2 miền Bắc – Nam gia nhập lực lượng vũ trang, quyết chiến đấu, xả thân vì Tổ Quốc, hàng chục triệu nông dân với khẩu hiệu vững tay cày, chắc tay súng. Cuốc cày là vũ khí, Nhà nông là chiến sỹ thi đua lao động sản xuất vì Miền Nam được giải phóng đã cùng cả nước dành thắng lợi huy hoàng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 94 năm qua Hội nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Từ Nông hội đỏ 1930-1931, Hội tương tế ái hữu 1931-1935, Hội nông dân phản đế 1936, Hội nông dân cứu quốc 1941. Do hoàn cảnh đặc biệt của nước ta năm 1961-1979 ở Miền Nam có tổ chức Hội nông dân giải phóng Miền Nam Việt Namở Miền Bắc từ tháng 9/1974 có tổ chức Hội nông dân tập thể. Từ tháng 9/1979 Hội nông dân cả nước mang tên Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Từ tháng 3/1988 Ban Bí thư TW Đảng quyết định đổi tên Hội Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Mặc dù ở bất kỳ giai đoạn nào với tên gọi khác nhau. Song tổ chức chính trị của giai cấp nông dân luôn thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình trong việc tập hợp, động viên giai cấp nông dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Nông dân Việt Nam họp tháng 3/1988 tại Hà Nội là mốc son đánh dấu sự phát triển của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Sau hơn 30 năm củng cố xây dựng và trưởng thành. Đến nay đã tổ chức thành công7 kỳ Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam có trên 10 triệu hội viên. Tổ chức Hội đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trong suốt 94 năm qua hội nông dân Việt Nam đã không ngừng được cũng cố và phát triển, Hiện nay giai cấp nông dân nước ta chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Đây là giai cấp có tiềm năng to lớn của đất nước. Đặc biệt là tiềm năng về lao động, con người, nông dân không chỉ là lực lượng lao động hùng hậu, có vai trò quyết định mà còn là lực lượng cách mạng to lớn, góp phần quan trọng vào sự thành bại trong bước tiến chung của cả dân tộc.
Cùng với phong trào của Hội nông dân cả nước, Hội nông dân xã Hưng Chính đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, Trong những năm tháng của cuộc kháng chiến cứu nước đã động viên nhân dân, đóng góp sức người sức của kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nông thôn mới Hội nông dân tích cực tuyên truyền phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, Nghị quyết của các cấp Hội đến với cán bộ, hội viên, nông dân, chăm lo xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh. Hội đã tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua tham gia phát triến kinh tế xã hội, đảm bảo QPAN và xây dựng nông thôn mới. Vai trò, vị trí của Hội nông dân xã nhà đã từng bước được khẳng định; tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh; đội ngũ cán bộ luôn được tăng cường và trưởng thành về mọi mặt, Hội đã vận động hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang diện mạo nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường như: Tham gia dọn vệ sinh môi trường nông thôn chỉnh trang nhà cửa, tường rào, công trình vệ sinh, cải tạo vườn tạp, làm vườn mẫu, vườn chuẩn… nhằm làm cho mỗi gia đình hội viên nông dân thêm phần sạch đẹp, hăng hái thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình văn hóa… Tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác vay vốn tạo công ăn việc làm và làm giàu chính đáng. Có thể nói phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã đi vào chiều sâu, có chất lượng, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng an ninh đã tạo nên những nhân tố tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Tham gia xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh sẵn sàng chiến đấu; động viên con em nông dân trong độ tuổi sẵn sàng lên đường nhập ngũ; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Phát huy truyền thống, và những kết quả đạt được và thiết thực chào mừng 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước năm 2024, trong thời gian tới Hội nông dân xã Hưng Chính tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tuyên truyền sâu rộng về lịch sử và truyền thống của Hội nông dân trải qua 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và trưởng thành, khẳng định vị trí và vai trò của Hội trong từng thời kỳ lịch sử cách mạng. Gắn với tuyên truyền các Chủ trương Nghị quyết của Đảng, pháp luật nhà nước; Nghị quyết của các cấp Hội. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng Hội nông dân xã nhà vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Mở rộng và tăng cường hơn nữa các hình thức phối hợp, liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp để hỗ trợ các nhu cầu chính đáng cho hội viên nông dân. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, Chính quyền theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị.
Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân và dư luận xã hội phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Hướng dẫn và khuyến khích nông dân thực hiện chính sách sản xuất và tiêu thụ hàng hoá nông sản thông qua hợp đồng. Đẩy mạnh các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật mới; tích cực vận động nông dân tham gia các tổ, nhóm nghề nghiệp để trao đổi kinh nghiệm trong cách làm hay của các thành viên, hội viên của tổ, nhóm từ đó nâng tính đoàn kết trong nhân dân. Hội xã phối hợp rà soát nhu cầu học nghề, đồng thời chủ động liên hệ với các trường day nghề trong Tỉnh, thành phố để mở các lớp học nghề cho nông dân; tư vấn, giới thiệu việc làm.
Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trước hết là tuyên truyền và triển khai thực hiện NQ số 46- NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân VN đạp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Đồng thời tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; vận động nhân dân chấp hành và ủng hộ thực hiện các dự án đang được triển khai trên địa bàn.
Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên, nông dân toàn xã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp nông dân, tôn vinh, tự hào về vai trò vị trí của nghề nông và hội viên nông dân để ra sức thi đua, lao động sáng tạo lập thành tích chào mừng ngày Hội. Tiếp tục phát huy truyền thống Xô Viết anh hùng xứ nghệ, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp, nhiệm kỳ 2023-2028, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hưng Chính lần thứ XXX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bùi Thị Lan - CCVH